Thứ năm, 28 Tháng 3 2024

Người Giẻ Triêng

Thông tin về Người Giẻ Triêng ở Kon Tum

Tên tự gọi: Mỗi nhóm có tên tự gọi riêng như: Giẻ, Triêng, Ve, Bnoong.

Tên gọi khác: Cà Tang, Giang Rẫy.

Nhóm địa phương: Gié (Giẻ), Triêng (T’riêng), Ve, Bnoong (Mnoong). Nhóm Gié đông hơn cả.

Người Giẻ - Triêng ở Kon Tum - Các dân tộc Việt Nam

Người Giẻ Triêng

Dân số: 50.962 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009). Tại Kon Tum, đến 30/6/2014 người Ba Na có 8.693 hộ/35.369 khẩu.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), tương đối gần gũi với tiếng Xơ Ðăng, Ba Na. Giữa các nhóm tiếng nói có những sự khác nhau nhất định. Chữ viết hình thành trong thời kỳ trước năm 1975, cấu tạo bộ vần bằng chữ cái La-tinh.

Lịch sử: Người Gié-Triêng là cư dân gắn bó rất lâu đời ở vùng quanh quần sơn Ngọc Linh.

Hoạt động sản xuất: Họ làm rẫy là chính. Xưa trồng nhiều lúa nếp, nay lúa tẻ giữ vị trí chủ đạo, gồm nhiều giống khác nhau. Cách thức canh tác như ở các dân tộc miền núi khác trong vùng. Công cụ chủ yếu gồm rìu và dao quắm để phát, gậy đẽo nhọn đầu hoặc có mũi sắt để chọc lỗ khi gieo trỉa, cái cuốc con có cán là đoạn chạc cây để làm cỏ. Tất cả cây trồng đều ở rẫy, ngoài lúa còn có ngô, sắn, bo bo, kê, khoai lang, khoai môn, bầu bí, dưa, thuốc lá, bông, mía, chuối... Vật nuôi phổ biến là gà, lợn, chó, trâu, chỉ khi dùng vào việc cúng tế mới mổ thịt. Nguồn thức ăn kiếm được nhờ hái lượm, săn bắn và đánh bắt cá đóng vai trò quan trọng. Người Gié-Triêng có sở trường về đan lát, nghề dệt vải phát triển ở nhiều nơi, vùng Ðắc Pét có truyền thống đãi vàng sa khoáng và làm đồ gốm ở trình độ chưa biết dùng bàn xoay và chưa biết xây lò nung. Quan hệ hàng hoá trước kia dùng vật đổi vật, nay đã dùng tiền.

Ăn: Mỗi ngày người Gié-Triêng ăn 3 bữa (sáng, trưa, tối). Họ ưa thích các món nướng đối với cá, thịt. Canh cũng là món thường có trong các bữa cơm. Tập quán ăn bốc tồn tại lâu đời (nay việc dùng đũa, bát khá rộng rãi). Ðồ uống truyền thống là nước lã, rượu cần chế từ gạo, ngô, sắn, kê và rượu chế từ nước một loại cây họ dừa mọc hoang trên rừng. Nam nữ đều hút thuốc lá bằng tẩu.

Ở: Tại huyện Ðắc Glây tỉnh Kon Tum có nhóm Gié và Triêng, tỉnh Quảng Nam có nhóm Bnoong ở huyện Phước Sơn và Trà My, nhóm T’riêng và Ve ở huyện Giằng. Hình thức nhà sàn dài gồm nhiều "bếp" là lối kiến trúc truyền thống phổ biến, đặc biệt ở vùng người Gié và Bnoong có khi cả làng ở trong một vài ngôi nhà. Về sau, nhà trệt đã xuất hiện. ở nhiều nơi, trừ nhóm Bnoong, trong làng thường dựng nhà công cộng cao to và đẹp. Tập quán bố trí nhà tạo thành một vòng ôm quanh khoảng trống ở giữa là một nét văn hoá lâu đời của họ ở Giằng và một số nơi ở Ðắc Glây.

Mặc: Theo nếp cổ truyền, nam quấn khố, ở trần, trời lạnh thì choàng tấm vải cho ấm người; nữ mặc áo, quấn váy, có nơi dùng loại váy ống dài để che luôn cả thân trên, từ ngực trở xuống. Phụ nữ ưa đeo nhiều trang sức: các loại vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ, tay, chân, tai, phụ nữ các gia đình khá giả có cả hoa tai bằng nhà voi. Y phục theo kiểu người Việt hiện tại đã thâm nhập tận các làng xa xôi hẻo lánh.

Phương tiện vận chuyển: Người Gié-Triêng dùng gùi. Có những loại và cỡ gùi khác nhau: gùi đan thưa, đan dày, gùi đeo theo người hàng ngày, gùi để đồ tại nhà, gùi có hoa văn nan nhuộm đen, gùi không dùng nan nhuộm, gùi cho riêng nam giới...

Quan hệ xã hội: Dân làng thuộc các họ khác nhau, từng họ có truyền thuyết về cội nguồn của mình, có tên gọi và có kiêng cữ riêng. Xưa kia, có những họ của nữ, có những họ của nam. Quan hệ cộng đồng trong làng thường xuyên và khá chặt chẽ. "Già làng" có uy tín cao nhờ hiểu biết, nhiều kinh nghiệm, cũng thường là người có cộng lập làng. Xã hội cổ truyền có nhiều biểu hiện về tàn dư thời mẫu hệ và bước chuyển tiếp từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ.

Cưới xin: Trai gái tự tìm bạn đời, cha mẹ thường chấp thuận nếu không vi phạm tập tục. Việc cưới xin trải qua nhiều bước, bao giờ cũng có lễ kết gắn cô dâu chú rể với nhau (thông qua việc họ đưa cơm với gan gà cho nhau cùng ăn và uống chung bát rượu, hoặc có nơi họ trùm chung tấm chăn), và cô gái phải tự chuẩn bị 100 bó củi đẹp từ trước để đem đến nhà trai. Nhà trai thường tặng nhà gái đồ đan và nhận được của nhà gái những sản phẩm dệt. Trước kia, đôi vợ chồng cư trú luân phiên mỗi bên vài năm.

Sinh đẻ: Chồng phải làm lều ngoài rừng cho vợ đẻ. Sản phụ tự lo một mình trong sinh nở, sau 10 ngày mới được mang con về nhà. Ðứa bé được coi là thành viên của gia đình sau khi đã tiến hành một nghi lễ cúng cho nó gia nhập vào cộng đồng những người thân thuộc trong nhà.

Ma chay: Phong tục ở các nhóm không hoàn toàn giống nhau. Song nét chung là quan tài đẽo độc mộc, có nơi tạc hình đầu trâu trên đầu. Người chết được mai táng (có tài liệu viết xưa kia hoả táng); nhà mồ dựng không cầu kỳ, có rào xung quanh. Những đồ vật đem ra mộ cho người chết nếu là chiêng, ché thì đều đập thủng hoặc vỡ. Trong quá khứ, người ta từng biết đến tục chôn chung những người chết cách nhau không lâu trong gia đình vào một quan tài. Suốt 10 ngày khi làng có người mới chết, trước khi tang gia cúng "nhắc nhở" cho hồn người chết ở yên bãi mộ, dân làng không vào rừng, không đi làm xa nhà. Nghi thức đoạn tuyệt với mộ người chết thường được tổ chức vào dịp đầu năm tại cạnh ngôi mộ.

Thờ cúng: Người ta quan niệm có nhiều "thần linh" và mọi vật, cũng như con vật, con người đều có siêu linh ẩn trú. Các vị thần nước, thần trời (đồng nhất với sấm sét), thần mặt trời, thần đất, thần làng, thần làng, thần lúa, thần đá, thần cây đa... được người Gié-Triêng cầu cúng. Mỗi làng thường có vật "thiêng" như thứ bùa hộ mệnh, được cất dấu ở rừng và giữ bí mật với người ngoài. Dòng họ, gia đình cũng có vật "thiêng" để cầu mùa gắn với canh tác lúa. Ma người chết cũng được coi là một thế lực chi phối đối với cuộc sống. Liên quan đến thế giới siêu nhiên đó, có rất nhiều lễ thức tín ngưỡng theo tập tục.

Lễ tết: Mỗi khi cúng bái đều có hiến tế, mà máu con vật hiến tế là quan trọng nhất. Lễ trọng phải đâm trâu, và xa xưa có nơi phải cúng bằng máu người trong lễ thức đặc biệt liên quan đến thần lúa. Trong chu kỳ sản xuất hàng năm thường có lễ thức khi chọn đất rẫy, phát rẫy, gieo trỉa, khi hạn hay úng, khi mở đầu tuốt lúa, khi đưa lúa lên kho, khi được 100 gùi lúa trở lên và khi lấy thóc lần đầu về ăn. Gắn với chu kỳ đời người, có các lễ thức trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, khi đặt tên, khi bị đau ốm, khi cưa răng, trong việc cưới xin, khi chết đi. Tết dân tộc thường sớm hơn tết Nguyên đán, tổ chức theo làng.

Lịch: Người Gié-Triêng căn cứ vào chu kỳ mặt trăng để tính ngày. Theo đó, tên gọi mỗi ngày cụ thể trong tháng phần lớn đều được lặp lại, tuy một ngày ở nửa đầu và một ngày ở nửa cuối tháng. Mỗi năm 12 tháng. Từng tháng có những công việc trọng tâm nhất định.

Văn nghệ: Bộ nhạc cụ phong phú, quý giá và quan trọng nhất là cồng chiêng. Tuỳ nơi, người ta dùng 3 cồng với 7 hay 9 chiêng, hoặc 6 chiêng, hoặc 4 chiêng... Có khi cồng chiêng tấu cùng với trống, với ống nứa. Nguyên ống nứa cũng là loại nhạc cụ để thổi, vỗ, gõ. Các loại đàn sáo, khèn đều đơn giản, thông dụng trong đời sống âm nhạc. Người Gié-Triêng, cũng như các tộc khác, có những làn điệu dân ca cổ truyền và nhiều truyện cổ.

Theo Bức tranh Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (NXB Giáo dục)

Cộng đồng người Việt Nam có 54 thành phần dân tộc khác nhau (Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ Me, H'Mông, Nùng, Hoa, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Sán Chay, Cơ Ho, Chăm, Sán Dìu, Hrê, Ra Glai, M'Nông, X’Tiêng, Bru-Vân Kiều, Thổ, Khơ Mú, Cơ Tu, Giáy, Giẻ Triêng, Tà Ôi, Mạ, Co, Chơ Ro, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, Kháng, La Chí, Phú Lá, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, Si La, Pu Péo, Rơ măm, Brâu, Ơ Đu). Trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm gần 90% tổng số dân cả nước, hơn 10% còn lại là dân số của 53 dân tộc.

 

Logo biểu tượng máy tính HTL Computer tỉnh Kon Tum Việt Nam

HTL Computer