Thứ năm, 25 Tháng 4 2024

Người Ba Na

Thông tin về Người Ba Na ở Kon Tum

Tên tự gọi: Ba Na, tên gọi khác: Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông...

Nhóm địa phương: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng), Tơ Lô, Gơ Lar Krem.

Người Ba Na ở Kon Tum - Các dân tộc Việt Nam

Người Ba Na

Dân số: 227.716 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009). Tại Kon Tum, đến 30/6/2014 người Ba Na có 11.995 hộ/63.097 khẩu.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta.

Hoạt động sản xuất: Người Ba Na canh tác lúa trên ruộng khô và rẫy. Cái cuốc là công cụ chủ yếu trong canh tác nông nghiệp ở tộc người này. Với ruộng khô thì việc thâm canh không bỏ hóa là đặc điểm khác với rẫy. Ruộng khô thường ở vùng ven sông suối. Từ đầu thế kỷ XX, việc làm ruộng nước bằng cày đã ngày càng phát triển ở nhiều nơi. Vườn chuyên canh và vườn đa canh cũng xuất hiện từ lâu. Công việc chăn nuôi và các nghề thủ công như: đan, dệt, gốm, rèn còn chưa phát triển.

Ở: Ðịa bàn cư trú của người Ba Na trải rộng trên các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Tây của Bình Ðịnh, Phú Yên và Khánh Hoà. Họ cư trú trên nhà sàn, cửa ra vào mở về phía mái, trên hai đầu đốc đều có trang trí hình sừng, ở giữa làng được xây cất một ngôi nhà công cộng - nhà làng, nhà rông với hai mái vồng và cao vút. Ðó là nhà khách của làng, nơi diễn ra mọi sinh hoạt chung của cộng đồng làng như giáo dục thanh thiếu niên, tổ chức nghi lễ, hội làng, xử án... Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu là cái gùi cõng trên lưng, cho nam, nữ và cho mọi lứa tuổi. Gùi nhiều kích cỡ to nhỏ và nhiều chủng loại, đan mau và thưa nhưng đều theo một mô típ cổ truyền.

Quan hệ xã hội: Làng là đơn vị xã hội hoàn chỉnh và duy nhất. Tàn dư mẫu hệ vẫn thể hiện rõ trong quan hệ gia đình, tộc họ và trong hôn nhân. Sự tan rã của chế độ mẫu hệ ở đây đã nâng cao địa vị của nam giới nhưng phía mẹ vẫn gần gũi hơn. Sau hôn nhân còn phổ biến tập quán cư trú phía nhà vợ. Xã hội có người giàu, người nghèo và tôi tớ.

Cưới xin: Hôn nhân một vợ, một chồng là nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng gia đình. Hình thức luân cư sau lễ cưới rất phổ biến. Kết thúc các chu kỳ luân cư (ở bên vợ rồi ở bên chồng) thì đôi vợ chồng ra ở riêng tạo lập cơ ngơi của một gia đình mới, một tế bào mới của cộng đồng làng.

Học: Việc giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên được tổ chức thường xuyên tại nhà làng (nhà rông) do các già làng đảm nhiệm. Ðó là nơi dạy nghề, huấn luyện chiến đấu và học tập các truyền thống văn hoá của cộng đồng làng.

Văn nghệ: Dân ca rất phong phú nhưng phổ biến là điệu hmon và roi. Nhạc cụ rất đa dạng gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Múa dân gian Ba Na trong đó có múa phục vụ nghi lễ và biểu diễn ở hội hè được nhiều người ưa chuộng. Trường ca, Truyện cổ của dân tộc Ba Na cũng là những tác phẩm dân gian cổ truyền độc đáo, có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Chơi: Phổ biến là các trò chơi : đuổi bắt (đru đra), cướp dây, hất đá, nhảy đập nhịp, thả diều, đá cầu, đi cà kheo, đánh quay, đánh vòng...

Theo: Bức tranh Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (NXB Giáo dục)

Cộng đồng người Việt Nam có 54 thành phần dân tộc khác nhau (Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ Me, H'Mông, Nùng, Hoa, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Sán Chay, Cơ Ho, Chăm, Sán Dìu, Hrê, Ra Glai, M'Nông, X’Tiêng, Bru-Vân Kiều, Thổ, Khơ Mú, Cơ Tu, Giáy, Giẻ Triêng, Tà Ôi, Mạ, Co, Chơ Ro, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, Kháng, La Chí, Phú Lá, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, Si La, Pu Péo, Rơ măm, Brâu, Ơ Đu). Trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm gần 90% tổng số dân cả nước, hơn 10% còn lại là dân số của 53 dân tộc.

 

Logo biểu tượng máy tính HTL Computer tỉnh Kon Tum Việt Nam

HTL Computer